Hiểu đúng về mỹ phẩm thiên nhiên và mỹ phẩm hữu cơ

Khi nhu cầu sử dụng các mỹ phẩm an toàn tăng cao, người ta nghĩ đến mỹ phẩm thiên nhiên, mỹ phẩm hữu cơ. Nhưng mỹ phẩm thiên nhiên là gì? mỹ phẩm hữu cơ là gì? Bài viết sau sẽ cho bạn những thông tin hữu ích nhất.

Mỹ phẩm thiên nhiên là gì?

Mỹ phẩm thiên nhiên là những sản phẩm chứa một số thành phần có sẵn ở môi trường thiên nhiên. Các thành phần đó có thể từ thực vật như thảo mộc, rễ cây, hoa và tinh dầu. Thành phần từ động vật như sáp ong, mỡ động vật và những khoáng chất từ thiên nhiên. Những thành phần này được kết hợp với các chất dẫn, chất bảo quản, chất tạo bọt, tạo độ ẩm, và chất nhũ tương để tạo ra mỹ phẩm.

Mặc dù trong mắt người tiêu dùng thì một mỹ phẩm thiên nhiên phải chứa 100% thành phần thiên nhiên nhưng thực tế lại không như chúng ta nghĩ. Vì không có luật lệ để định nghĩa về mỹ phẩm thiên nhiên nên chỉ cần chứa một vài phần trăm thành phần thiên nhiên thôi thì các hãng cũng có thể quảng cáo là “sản phẩm của tôi là mỹ phẩm thiên nhiên!”. Một ví dụ điển hình là hãng mỹ phẩm Hàn Innisfree.

Mỹ phẩm hữu cơ (organic) là gì?

Mỹ phẩm hữu cơ là mỹ phẩm chứa các thành phần có sẵn trong thiên nhiên nhưng có nguồn gốc an toàn, đảm bảo không chứa bất kì hoá chất nào. Để được công nhận là một mỹ phẩm hữu cơ thì sản phẩm này phải kinh qua một quá trình kiểm tra gắt gao từ quá trình trồng trọt, bảo quản cho đến việc đóng gói và vận chuyển sản phẩm đến người tiêu dùng. Những quy định có thể khác nhau tùy vào từng quốc gia chủ quản.

my pham huu co la gi e1569774336168
Mỹ phẩm hữu cơ là mỹ phẩm chứa thành phần thiên nhiên, có nguồn gốc an toàn đảm bảo không hoá chất, được chứng nhận bởi các tổ chức uy tín. (ảnh sưu tầm)

Các tiêu chí để được chứng nhận là mỹ phẩm hữu cơ (organic)

  • Tránh việc sử dụng các hóa chất tổng hợp như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, chất bảo quản thực phẩm; tia bức xạ, chất thải từ cống rãnh
  • Tránh việc sử dụng các loại hạt biến đổi gien
  • Sử dụng đất trồng trọt không có các hóa chất cấm trong một thời gian nhất định (thông thường là 3 năm)
  • Có những sổ sách, hồ sơ về quá trình sản xuất và bán hàng
  • Phải giữ những sản phẩm hữu cơ trong một khoảng cách nhất định với những sản phẩm không được chứng nhận
  • Chấp nhận sự thanh tra định kì tại nơi sản xuất những sản phẩm này

Hiện tại, có nhiều tổ chức chính phủ cũng như phi chính phủ có khả năng giám định và cấp chứng nhận hữu cơ cho các mỹ phẩm làm đẹp. Việc cấp chứng nhận là một quá trình dài có thể mất đến 3-5 năm và tốn rất nhiều chi phí. Vì vậy, có rất nhiều sản phẩm trên thị trường có khả năng vượt chuẩn hữu cơ (ví dụ như Sukin của Úc) không làm điều này, vì yếu tố lợi nhuận và chi phí.

Các chứng nhận sản phẩm hữu cơ uy tín trên thế giới

Mỹ: National Organic Program (cho thực phẩm và nông sản) và USDA Organic

Canada: Canada Organic – để được dán logo này trên sản phẩm thì mỹ phẩm phải chứa ít nhất là 95% thành phần hữu cơ

Châu Âu:

EU Organic logo từ quy định năm 1992 của EU-Eco Regulation: sản phẩm phải chứa ít nhất 95% thành phần hữu cơ, 5% còn lại là do sai số khi đo lường

Demeter International: đây là một trong 3 tổ chức cấp chứng nhận hữu cơ mạnh nhất thế giới và tổ chức này chú tâm vào việc trồng trọt các sản phẩm hữu cơ

chung nhan my pham huu co nhat ban e1569775332637
Mỹ phẩm hữu cơ Nhật Bản đúng chuẩn luôn có logo của bộ Nộng nghiệp Nhật Bản

Bio Suisse: đây là một tổ chức của Thụy Sĩ và chỉ chú tâm đếm việc canh nông hữu cơ của nước này mà không quan tâm đến việc xuất-nhập khẩu sản phẩm hữu cơ ra thế giới

Pháp: logo Agriculture Biologique, các cơ quan đánh giá chất lượng hữu cơ là những tổ chức phi chính phủ như Aclave, Agrocert, Ecocert SA, Qualité France SA, Ulase, SGS ICS

Đức: logo BDIH cho những mỹ phẩm thiên nhiên với dòng chữ “Certified Natural Cosmetics”

Úc: logo Australian Certified Organic và NASAA Certified Organic do những tổ chức tư nhân chứng nhận

Nhật Bản: logo Japanese Agricultural Standard do Bộ Nông nghiệp Nhật Bản chứng nhận

Khi chúng ta mua mỹ phẩm hữu cơ thì các logo chứng nhận thường thấy có thể là USDA Organic, Canada Organic,Agriculture Biologique, Ecocert, Australian Certified Organic hoặc là logo Certified Natural Cosmetics của BDIH mà thôi. Điều này chứng minh phần lớn các thành phần được sử dụng trong mỹ phẩm hữu cơ có nguồn gốc được chứng nhận là hữu cơ.

Mỹ phẩm thiên nhiên, hữu cơ nào tốt?

Mặc dù cụm từ “mỹ phẩm thiên nhiên” “mỹ phẩm hữu cơ” “tinh dầu hữu cơ”… được nhiều người đón nhận một cách hồ hởi, nhưng thật ngạc nhiên khi ở Mỹ, không có định nghĩa hợp pháp nào về “mỹ phẩm thiên nhiên” và “mỹ phẩm hữu cơ” cả.

my pham huu co thien nhien e1569774409981
Mỹ phẩm thiên nhiên hữu cơ vẫn đang là đề tài tranh cãi tại nhiều nước liên quan đến an toàn và môi trường

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (US FDA) không công nhận mỹ phẩm thiên nhiên và còn cấm một số thành phần thiên nhiên trong mỹ phẩm. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thì thoáng hơn một tí khi có luật lệ để quản lý những mỹ phẩm thiên nhiên được bày bán trên thị trường Mỹ.

Vì sao như vậy? Vì có hai khía cạnh khiến việc công nhận các sản phẩm làm đẹp thiên nhiên và hữu cơ trở nên khó khăn:

Thứ nhất là dị ứng da. Tùy theo cơ địa mà mỗi con người có những phản ứng khác nhau đối với mỹ phẩm. Đơn cử là tinh dầu oải hương: mặc dù đây là một trích li từ thiên nhiên đem lại mùi hương rất tuyệt vời giúp chúng ta thư giãn nhưng có một số nhỏ dân số thế giới bị dị ứng với tinh dầu này dẫn đến giới hạn an toàn của sản phẩm bị thu hẹp.

Thứ hai liên quan đến sự bền vững và bảo toàn của môi trường. Một ví dụ điển hình là việc săn hươu xạ hương để lấy mùi. Trước khi hóa học hữu cơ trở nên phát triển trong thế giới mỹ phẩm, để lấy được xạ hương (musk) thì con người phải đi săn hươu xạ hương. Điều này dẫn đến dân số của loài hươu này càng lúc càng giảm và cũng có lúc đến bờ tuyệt chủng.

Một ví dụ khác là việc giết bọ cánh cam để lấy màu đỏ cho son-phấn trang điểm. Ngày nay, một số hãng mỹ phẩm nhỏ chuyên về mỹ phẩm khoáng chất vẫn sử dụng loại bột màu có nguồn gốc này, dẫn đến sự giảm dân số của loài bọ cánh cam cũng như mất cân bằng sinh thái trong môi trường chúng sinh sống. Vì thế mà các bột màu đỏ ngày nay hầu như không còn sử dụng nguồn bột màu như thế nữa và được đánh dấu với nhãn “carmine free”.

Qua hai khía cạnh này có thể thấy việc sử dụng các thành phần tổng hợp hóa học cũng không phải là quá tệ, đặc biệt khi xét về khía cạnh bảo tồn và gìn giữ môi trường.

Kết luận

Để đạt được chứng nhận hữu cơ là một điều rất khó, cần nhiều tiền bạc và tốn thời gian. Tuy nhiên gần đây, các chuẩn hữu cơ cũng như quá trình xét duyệt dường bị buông lỏng hơn, nhất là ở các nước đang phát triển. Vậy nên bạn cần thận trọng hơn trong việc lựa chọn mỹ phẩm thiên nhiên hoặc mỹ phẩm hữu cơ để đảm bảo hợp với cơ địa của bản thân và góp phần bảo vệ môi trường.

Tường Dao (nghiên cứu sinh ngành hoá học tại đại học Monash, Úc)

Similar Posts