Kem dưỡng ẩm là gì? Tiết lộ mới có thể bạn chưa từng biết

Khi còn bé, làn da của chúng ta rất sáng mịn, căng đầy và cân bằng trong độ ẩm. Càng lớn lên thì hormone cũng như quá trình lão hóa làm cho da trở nên khô dần đi. Vì vậy, sau một độ tuổi nhất định thì việc sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm cho da là rất cần thiết, nhất là lứa sau 30 tuổi trở đi. Vậy dưỡng ẩm là gì? Chúng ta cần phải quan tâm đến những thành phần nào để giúp cấp ẩm cho da? Bài viết này sẽ đem lại những thông tin hữu ích về dưỡng ẩm cho bạn.

Dưỡng ẩm – một cụm từ không chính xác

Dưỡng ẩm – tiếng Anh là moisturize. Chúng ta luôn mặc nhiên hiểu rằng kem dưỡng ẩm sẽ đem lại độ ẩm cho da. Nhưng sự thật phũ phàng là: kem dưỡng ẩm không thể làm tăng lên độ ẩm cho da. Bởi vì kem dưỡng ẩm bao giờ cũng có 3 thành phần chính: nước, dầu, và chất nhũ tương. Nước chính là thành phần tạo nên độ ẩm. Nhưng khi thoa nước lên da, nó sẽ nhanh chóng bốc hơi. Và lúc này ta cần dầu, tạo thành lớp màng mỏng để ngăn nước bay hơi. Lượng dầu trong kem dưỡng ẩm càng cao thì khả năng giữ ẩm của sản phẩm đó càng tốt.

Một thành phần quan trọng trong các loại kem dưỡng ẩm chính là chất nhũ tương. Khi không có nó thì dù bạn có cố gắng đến cách mấy dầu và nước cũng không thể hòa quyện vào nhau được. Với một lượng nhỏ chất nhũ tương, ngay lập tức bạn sẽ có liền các sản phẩm dưỡng ẩm dạng sữa, kem, hoặc cả dạng sáp nữa. Thành phần tạo nhũ tương quen thuộc trong rất nhiều kem dưỡng ẩm là sáp tạo nhũ tương có nguồn gốc từ sáp ong hoặc cây cọ sáp. Vì những thành phần này có nguồn gốc thiên nhiên nên chúng rất lành tính và giúp sự nhũ tương của nước và dầu được bền lâu hơn.

Với 3 thành phần này, kem dưỡng ẩm gần như không hề có tác dụng tăng ẩm. Nếu được nói một cách khoa học nhất thì những thứ mà chúng ta gọi là “kem dưỡng ẩm” chính là “kem chống mất nước cho da”.

Trong 3 thành phần chính của kem dưỡng ẩm thì có lẽ chất nhũ tương là ít có sự cải tiến nhất. Nếu chất nhũ tương có khả năng giữ nước và dầu lại với nhau trong một thời gian dài lâu (6-24 tháng) thì các nhà sản xuất sẽ vẫn tiếp tục sử dụng chúng. Các cải tiến trong kem dưỡng ẩm thường chú trọng vào việc giúp da có nhiều nước hơn (pha nước) và giúp giữ nước ít thoát khỏi da hơn (pha dầu).

Xem ngay: Kem dưỡng ẩm tốt nhất mọi thời đại 

Cải tiến pha nước với Hyaluronic acid và Glycerin

Vì nước chỉ là nước và nó có thể bốc hơi rất nhanh nên các chuyên gia hóa mỹ phẩm thường cho thêm thành phần có khả năng hút nước như glycerin và gần đây nhất là hyaluronic acid (HA). Với hàm lượng nhỏ, glycerin có khả năng hút nước từ không khí khá tốt. Tuy nhiên, ở hàm lượng lớn thì nó lại làm điều ngược lại: thay vì hút nước từ không khí vào da thì nó sẽ lấy nước từ trong da và đẩy ra ngoài. Glycerin có độ nhớt cao vì thế, các chuyên gia chỉ sử dụng nồng độ thấp để đảm bảo tính hút nước từ không khí lên da mà không tạo nên cảm giác nhờn rít.

kem duong am 1 e1565789385562

Tác dụng của kem dưỡng ẩm chính là giữ nước cho da

Hyaluronic acid là một phân tử thần kì với khả năng ngậm nước lên đến 1000 lần so với khối lượng của nó. Hyaluronic acid được các công ty mỹ phẩm, đặc biệt là Nhât Bản, sử dụng. Bạn sẽ thấy thành phần này ở gần chót bảng vì chúng ta chỉ cần dưới 2% là đủ lắm rồi. Trong môi trường nóng ẩm mưa nhiều như Việt Nam, Hyaluronic acid sẽ phát huy khả năng hút và ngậm nước triệt để.

Tuy nhiên, các bạn hãy cẩn thận khi sử dụng hyaluronic acid ở nơi khí hậu khô như ở Úc chẳng hạn. Bởi vì, khi trong không khí có quá ít nước để hút, hyaluronic acid sẽ tìm kiếm nguồn nước gần nhất: chính là ở da của bạn đấy! Mặc dù chúng ta vẫn có thể sử dụng được các sản phẩm có chứa hyaluronic acid trong môi trường này nhưng các bạn phải chú ý đến pha dầu để bảo đảm việc da không bị mất nước nhé.

Cải tiến pha dầu – các loại dầu, bơ thực vật lên ngôi

Trong lịch sử của kem dưỡng ẩm, thành phần dầu được sử dụng chính là dầu khoáng. Mặc dù là sản phẩm của việc khai thác dầu mỏ và không được thân thiện với môi trường cho lắm nhưng chúng ta không thể phủ nhận được khả năng tạo màng giữ ẩm vượt trội của dầu khoáng. Chính vì lẽ đó mà những sản phẩm như kem dưỡng da của Nivea, La Mer, và Clinique vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Trên thế giới, mỗi khi mùa đông về là các chị em phụ nữ lại lục tục đi mua những hộp kem dưỡng ẩm Nivea xanh. Và những chai dưỡng ẩm Clinique màu vàng chính là kem dưỡng ẩm bán chạy nhất tại xứ sở rừng bạch dương bởi chỉ có nó mới giúp dưỡng ẩm cho làn da qua khỏi mùa đông nước Nga khắc nghiệt.

Sau một thời gian thì các chuyên gia hóa mỹ phẩm nhận ra rằng họ có thể sử dụng dầu thực vật làm dầu nền cho kem dưỡng ẩm. Vì thế mà ngày nay, trong một số kem dưỡng ẩm, chúng ta thấy có mặt các loại dầu như dầu dừa, olive, cám gạo, hạt nho,… Tiến xa hơn là sự kết hợp của dầu và bơ thực vật như bơ đậu mỡ, cacao và hạt xoài chẳng hạn.

kem dưỡng e1565789460706

Kem dưỡng ẩm thế hệ mới đã sử dụng dầu thực vật nhiều hơn dầu khoáng

Tuy nhiên, không phải loại da nào cũng có thể chịu đựng được dầu khoáng hoặc dầu thực vật. Mặc dù có ưu điểm giữ ẩm vượt trội nhưng ưu điểm này cũng chính là khuyết điểm khi sử dụng trên da mụn: vì chúng giữ ẩm quá kĩ nên chúng tạo nên một môi trường nước rất thuận lợi để vi khuẩn gây mụn sinh sôi nảy nở trên da. Vì thế mà chúng ta thấy sự hiện diện của loại kem dưỡng ẩm không dầu (oil-free moisturizer). Các thành phần hóa học như polyisobutene, isodecyl laurate, dimethicone và trisiloxane vẫn có khả năng tạo màng nhưng lại không có cảm giác nặng nề như các loại kem dưỡng da có chứa dầu.

Với môi trường có một bầu không khí đầy nước như Việt Nam thì thay vì sử dụng các loại kem dưỡng ẩm nặng nề thì chúng ta hãy chuyển qua dùng các loại sữa dưỡng ẩm nhẹ nhàng hơn. Và dưỡng ẩm thôi chưa đủ, các bạn hãy thêm một bước chống nắng để bảo vệ da thật dài lâu nhé!

Tường Dao – Nghiên cứu sinh công nghệ hoá học tại đại học Monash (Australia)

Similar Posts